Ảnh Mãng xà quấn quanh người và xòe man đầu, che trên đỉnh đầu đức Đạo sư trong lúc mưa bão suốt một tuần lễ.
Bảng trụ xi măng được dựng lên để mọi người biết rằng nơi này đức Đạo sự đã từng ngồi nhập định trong vòng bảy ngày thuộc tuần thứ sáu, được Mãng xà bao quanh lấy Ngài trong lúc mưa bão, sau khi Ngài thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác.
Phía Sau Tòa Kim Cương
Cạnh tòa Kim Cương, phía bên phải.
Sau khi đức Đạo sư thành Đạo xong, Ngài ở lại nơi đây Ít nhất là bốn tuần cho đến bảy tuần, theo các tài liệu Phật giáo sử Tiểu Thừa, Phật giáo sử Đại Thừa và tư liệu hiện vật tại Mahābodhi Temple.
Tuần đầu Ngài vẫn ngồi dưới bóng cây tại Tòa Kim Cương hưởng pháp lạc mà mình vừa chứng được.
Sau đó Ngài đến ngồi Thiền định dưới bóng cây Ficus Indica một tuần tại Uruvelā (?) chưa định được vị trí của nơi này và, giải thích trả lời cho những câu hỏi của một tu sĩ Bà-la-môn về bản chất thật sự của đạo Bà-la-môn bao gồm giáo lý sống đạo đức thanh tịnh và thông minh theo kinh Vê-đa.
Sang tuần lễ thứ ba Ngài ngồi Thiền định dưới bóng cây Mucalinda (Barringtonia acutangula), thì gặp một cơn mưa giông bão ập đến, Ngài được một con Mãng xà hiện đang sống dưới gốc cây ra cuộn mình quấn quanh Ngài và man đầu mở rộng che chở đức Đạo sư đang vào Thiền định Theo tài liệu Phật giáo sử Tiểu Thừa (Đại sử Mahāvamsa). Cây này hiện không còn nữa, nhưng nơi đây hiện tại biến thành một cái hồ và giữa hồ chỗ gốc cây cũ được thiết trí hình con rắn chín đầu đang quấn quanh đức Đạo sư nhô lên trên mặt nước (và theo hiện vật nơi này có một trụ đá mang một bảng hiệu ghi lại là chỗ đức Phật được con rắn quấn khắp cả người Thế Tôn để che chở Ngài trong lúc mưa bão và, đây thuộc tuần lễ thứ sáu); nhưng theo Phật giáo sử Đại thừa bên Hán tạng thì thuộc vào tuần lễ thứ tư chứ không phải thứ ba hay thứ sáu.
Sang đến tuần lễ thứ tư, Thế Tôn đến dưới bóng cây Rājīyatana (Buchanania latifolia) ngồi Thiền định một tuần; nơi đây Ngài đã độ cho hai thương gia người Miến Điện là Tapussa và Bhallika, (theo hán tạng tên của hai vị này là Bạt-đà-la-lợi và Bạt-đà-la Tư-na), nhân họ cúng dường cháo lúa mạch và mật ong cho Ngài và, cho họ quy y làm đệ tử tại gia đầu tiên của Ngài; nhưng hiện tượng tư liệu này theo Đại Thừa thì thuộc tuần lễ thứ ba.
Sang tuần lễ thứ năm theo Mahāvamsa thì Ngài trở lại ngồi dưới bóng cây Ficus Indica (Đa-mục-tử). Ngài ngồi tư duy về giáo lý thật tánh của các pháp: Giáo lý ấy thậm thâm khó hiểu mà Ngài vừa chứng được, chỉ có Phật cùng Phật mới hiểu nổi thôi., còn chúng sanh trong đời ác năm trược này thì dẫy đầy tham dục, sân nhuế, ngu si, tà kiến, kiêu mạn, siểm khúc chướng ngại che khuất; độn căn phước mỏng không có trí tuệ, làm sao có thể tiếp nhận được những pháp mà Ngài đã đạt được. Nay nếu vì họ mà chuyển bánh xe chánh pháp thì chắc chắn họ không thể tin nhận được, mà lại còn sinh ra tâm hủy báng sẽ bị đọa vào đường ác mà thôi. Ta nên hay không nên im lặng mà vào Niết-bàn? Và sự hoài nghi này được Đại Phạm Thiên vương biết rõ và, vị này sợ Ngài sẽ vào Niết bàn, nên đã tự nghĩ: 'Trong vô lượng kiếp xa xưa Thế Tôn đã vì chúng sanh mà ở mãi trong sinh tử, từ bỏ quốc gia thành quách cung điện, vợ con, đầu mắt, tủy não ... chịu khổ thay họ, nay sở nguyện đã viên mãn, thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Vì sao Ngài lại im lặng mà không nói pháp, để chúng sanh trầm luân trong sinh tử? Nay Ta nên đến thỉnh Ngài chuyển vận bánh xe chánh pháp.' Nghĩ như vậy xong, liền rời thiên cung, giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, trong chốc lát, đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh rồi đứng sang một bên quỳ gối chấp tay bạch lại Phật như những gì đã nghĩ. Xin Thế Tôn vì chúng sanh mà dùng sức đại bi chuyển vận bánh xe chánh pháp vi diệu. Từ Thích Đề-hoàn Nhơn cho đến Trời Tha Hóa Tự Tại cũng đều khuyến thỉnh Như Lai vì chúng sanh mà chuyển vận bánh xe chánh pháp. Bấy giờ đức Đạo sư đáp lại những lời thỉnh cầu của Đại Phạm Thiên vương cùng Thích Đề-hoàn Nhơn rằng: "Ta cũng muốn vì tất cả chúng sanh, chuyển vận bánh xe chánh pháp, nhưng vì những pháp Ta đạt được thậm thâm vi diệu khó hiểu khó biết, chúng sanh không thể tin nhận được, mà sinh ra lòng bài báng sẽ đọa vào địa ngục. Vì vậy nên nay Ta im lặng! Đại Phạm Thiên vương cùng Thích Đề-hoàn Nhơn thưa thỉnh như vậy ba lần. Bấy giờ Như lai im lặng chấp nhận và, ngồi như vậy suốt bảy ngày đêm. Đại Phạm Thiên vương cùng Thích Đề-hoàn Nhơn biết Phật đã nhận lời, nên đảnh lễ sát chân lui về trú xứ của mình. Việc thưa thỉnh đức Đạo sư vì chúng sanh mà chuyển vận bánh xe chánh pháp theo Phật giáo sử Đại thừa thì thuộc vào tuần thứ nhất. Những tư liệu này chúng tôi căn cứ vào Phật giáo sử Mahāvamsa (Đại sử) của Tiểu thừa và Phật giáo sử Đại thừa trong Thích Ca phổ 1, Thích Ca giáng sinh Thích chủng thành Phật là nhân duyên thứ tư trong bốn nhân duyên thành đạo của Ngài.
Như vậy dù có sự sai khác nhau trong việc sắp xếp theo thứ tự nhưng những sự kiện này đều có trong hai văn kiện sử liệu của cả hai bộ phái Tiểu và Đại thừa. Những vị trí này theo Mahāvamsa thì có ghi chép nhưng cho đến nay chỉ có một vị trí đã được phát hiện trong khu vực Thánh tích thôi còn những sự kiện về những địa danh khác vẫn chưa xác định được vị trí của nó.